Giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

LTS: Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định 144). Quy định gồm 6 điều với 21 điểm. Quy định này là sự phát triển, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như hệ thống quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Quy định đã gửi thông điệp đến hơn 5,3 triệu đảng viên và gần 52 nghìn tổ chức cơ sở Đảng: Nếu như ai đó không còn sự trong sáng cách mạng, thì không nên đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cùng phóng viên Báo điện tử ĐCSVN tìm hiểu Quy định này qua loạt bài: Giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

(ĐCSVN) – Quy định số 144-QĐ/TW thực sự là cẩm nang trong xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Sự ra đời của Quy định số 144-QĐ/TW là sự tiếp nối quyết tâm của Đảng trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật sự vững mạnh, là người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Quy định cũng chính là xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn; là ý Đảng đã hợp với lòng dân.

Đại hội XIII của Đảng xác định công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã dành rất nhiều công sức, trí tuệ, thời gian, tâm huyết cho việc hoàn thiện thể chế.

Chính vì vậy, sau Đại hội đến nay mới hơn 3 năm mà Bộ Chính trị ban hành hàng loạt các quy định về công tác cán bộ như: Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 58-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ… Và mới đây chính là Quy định 144 ngày 9/5/2024 Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới do trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Có lẽ điều đó cũng đã nói lên vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng của Quy định này.

Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, gồm 6 điều với 21 điểm, quy định cụ thể các yêu cầu, tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Nội dung rất ngắn gọn, súc tích, cô đọng và cụ thể, nhưng đã bao hàm một cách toàn diện các quy định đối với người cán bộ, đảng viên phải thực hiện đối với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc cho đến các yêu cầu cụ thể về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Đặc biệt trong bối cảnh Đảng ta đang quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quy định 144 giúp nêu cao tính tự giác, lòng tự trọng, giữ gìn phẩm giá, đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Theo đó, Quy định 144 quy định cụ thể các yêu cầu, tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới gồm 6 điều. Đó là: 1. Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; 2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; 4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; 5. Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời và từng nội dung cụ thể của mỗi Điều, cùng với Điều 6 là tổ chức thực hiện.

Nhiều ý kiến đánh giá rằng, Quy định số 144 được ban hành là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây không chỉ là mệnh lệnh cần phải thực hiện để vun bồi đạo đức cách mạng phù hợp yêu cầu cụ thể của sự nghiệp cách mạng, mà còn là cơ sở để đánh giá bản lĩnh, trách nhiệm, sự trung thành, tâm huyết, trong sạch, trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm; sự dấn thân, hăng hái vì nước, vì dân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; uy tín, sự gương mẫu, nêu cao lòng tự trọng, danh dự, sự đề kháng… của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Trong đó từ Điều 1 đến Điều 5 là sự cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Nội dung của từng điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên lại được cụ thể hóa thành từng khoản gắn với tên gọi của từng chuẩn mực đạo đức đã nêu ở tên từng điều. Chính xác hơn là từ nội dung cụ thể của 5 điều đã được cụ thể hóa thành 19 chuẩn mực đạo đức cách mạng mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tuân thủ. Nội dung các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong Quy định này có tính cô đọng, khái quát và dễ hiểu.

Trao đổi với chúng tôi về Quy định này, PGS.TS.Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Thứ nhất, Quy định đồng bộ về mặt quy định; thứ hai là đi theo xu hướng về lượng hoá để đánh giá. Ví dụ như xưa nay chúng ta đi theo xu hướng thiên về định tính như lập trường tư tưởng vững vàng nhưng bằng cái gì để nói rằng anh vững vàng, kiên định. Ví dụ như phát ngôn đúng không, làm đúng không, chấp hành các quy định đúng không, có mẫu mực và nêu gương không, có để người thân, gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi không? Quy định 144 đã nêu rõ và nếu làm như vậy chúng ta sẽ đánh giá toàn diện, đồng bộ và xác thực hơn.

Đánh giá Quy định 144 có 19 nội dung rất ngắn gọn, súc tích, cô đọng và được thể hiện trong 5 điều là cơ sở để xây dựng và hình thành đội ngũ cán bộ, đảng viên mới năng động, sáng tạo, đảng viên Nguyễn Tấn Cường, Tổ trưởng tổ 4, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, Quy định này có nội dung mới: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân”. Đây là chuẩn mực của người cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; là hệ quả tổng hợp của các chuẩn mực khác trong Quy định 144.

Cùng quan điểm, TS Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Đây là văn bản đầu tiên mang tính tích hợp, đầy đủ và hệ thống trong bối cảnh yêu cầu mới. Điều này đảm bảo cán bộ, đảng viên xứng đáng là người dẫn dắt dân tộc này trong giai đoạn tới. Vị thế của đất nước như Tổng Bí thư nói: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày hôm nay. Và trong tương lai ai là người dẫn dắt? Người dẫn dắt phải tương xứng với vị thế của nó. Vì vậy, đây là văn bản lần đầu tiên chỉ đề cập đến yêu cầu phải làm, phải xây chứ không phải là phải chống. Nó khác biệt hoàn toàn.

Là một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm tham gia vào việc xây dựng các quy định, nghị quyết của Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Tất cả những nội dung trong Quy định không phải hoàn toàn bây giờ mới có. Có những nội dung được kế thừa và có những nội dung có một số điểm mới. Nhưng quan trọng Quy định này tập hợp, hệ thống rất nhiều nội dung của rất nhiều các văn bản khác nhau, bây giờ trở thành một văn bản mà văn bản này lại rất ngắn gọn, rất dễ thực hiện và cũng rất dễ kiểm tra, giám sát.

Điểm thứ hai nữa là mặc dù nội dung của Quy định này không dài nhưng nó vừa toàn diện nhưng lại rất cụ thể, được xem là bước bổ sung, hoàn thiện lý luận về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đây cũng chính là một bước tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ và cũng là một bước cụ thể hóa Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức. Nó vừa mang tính khái quát, lại vừa mang tính hệ thống nhưng lại chi tiết để cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ thực hiện và cũng dễ kiểm tra, giám sát.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo